Phỏng vấn visa Mỹ

Trọn bộ câu hỏi và kinh nghiệm phỏng vấn visa Mỹ bao đậu

Phỏng vấn visa Mỹ là bước rất quan trọng trong quá trình xin visa và cũng được xem là nỗi lo ngại phổ biến của đa số đương đơn. Bởi lẽ ngoài một bộ hồ sơ mạnh và hoàn chỉnh, cuộc phỏng vấn là lúc viên chức Lãnh sự có thể đánh giá tính minh bạch cũng như trung thực của người xin visa qua gặp mặt trực tiếp. Để giúp bạn tự tin hơn khi tham gia vào vòng phỏng vấn, Nowtadi sẽ chia sẻ toàn bộ những thứ cần chuẩn bị và hướng dẫn phỏng vấn visa Mỹ tại cơ quan Lãnh sự, cùng bộ câu hỏi phổ biến.

Đặt lịch phỏng vấn visa Mỹ

Ngoại trừ các trường hợp được miễn phỏng vấn visa Mỹ, tất cả đương đơn đều phải thực hiện đặt lịch hẹn trước khi đến phỏng vấn. Nếu không có giấy hẹn đã được xác nhận, vì bất cứ lý do gì, bạn không thể vào cơ quan Lãnh sự tham gia phỏng vấn.

Trước khi có thể đặt lịch phỏng vấn, bạn cần hoàn thành đơn xin visa DS-160 tại website https://cgifederal.secure.force.com/. Sau đó, truy cập vào link http://www.ustraveldocs.com/vn/vn-steps.asp để điền thông tin thanh toán và đóng lệ phí visa tại bưu điện.

Đặt hẹn phỏng vấn visa Mỹ
Đương đơn phải hẹn lịch trước khi đến phỏng vấn

Khi đã hoàn thành đóng phí, bạn sẽ nhận được biên lai của bưu điện có chứa mã vạch dùng để hẹn lịch phỏng vấn với Đại sứ quán. Bạn truy cập lại webiste http://www.ustraveldocs.com/vn/, sử dụng mã vạch và các thông tin cá nhân khác để đăng ký lịch phỏng vấn xin visa Mỹ gần nhất.

Chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn visa Mỹ trước ngày phỏng vấn

Trước khi đi phỏng vấn visa Mỹ, tất cả các đương đơn đều cần chuẩn bị sẵn hồ sơ bao gồm những giấy tờ cần thiết. Loại giấy tờ sẽ tùy vào từng diện visa mà bạn đang xin là visa du lịch Mỹ, visa công tác Mỹ hay visa thăm thân Mỹ.

Lưu ý: Tất cả tài liệu trong hồ sơ đều phải là bản gốc.

Ngoài ra, để tránh mất thời gian tìm giấy tờ khi được hỏi, bạn nên sắp xếp hồ sơ theo từng nhóm như sau:

Nhóm 1: Giấy tờ tùy thân

  • 1 ảnh chân dung 5x5cm chụp trên nền trắng trong vòng 6 tháng gần nhất
  • Hộ chiếu còn hạn từ 6 tháng trở lên và ít nhất 2 trang trống, kèm theo hộ chiếu cũ (nếu có)
  • Căn cước công dân còn hiệu lực
  • Giấy khai sinh
  • Hộ khẩu thường trú
  • Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân như đăng ký kết hôn, chứng nhận độc thân, giấy ly hôn
  • Phiếu lý lịch tư pháp số 2
  • Thư xác nhận mời phỏng vấn visa Mỹ
  • Giấy xác nhận đã nộp đơn xin visa Mỹ DS-160

>>> Đọc thêm: Cách sắp xếp hồ sơ phỏng vấn visa Mỹ

Nhóm 2: Hồ sơ sức khỏe (trường hợp xin visa sang Mỹ chữa bệnh hoặc visa định cư)

Đối với người xin visa mục đích điều trị y tế

  • Giấy tờ khám bệnh ở Việt Nam
  • Thư tiếp nhận điều trị của cơ sở y tế ở Mỹ

Đối với đối tượng xin visa định cư Mỹ

  • Giấy chứng nhận sức khỏe dành cho người xin visa Mỹ
  • Giấy xác nhận đã khám và tiêm phòng một số bệnh dịch theo quy định

Một số trường hợp mất nhiều thời gian để xác nhận tình trạng sức khỏe, đơn vị khám sức khỏe có thể gửi thẳng kết quả đến Đại sứ quán.

Nhóm 3: Hồ sơ chứng minh quan hệ với người ở Mỹ (trường hợp xin visa thăm thân)

  • Thư mời của người đang ở Mỹ
  • Bằng chứng về mối quan hệ: đối với bố/mẹ là giấy khai sinh, đối với anh/chị/em là hộ khẩu, đối với bạn bè/họ hàng là ảnh chụp chung, thư từ, email, ảnh đoạn chat,…
  • Xác nhận đặt vé máy bay 2 chiều hoặc vé chiều về đến nước thứ ba

Nhóm 4: Hồ sơ về kế hoạch du lịch (trường hợp xin visa du lịch)

  • Lịch trình tham quan, khám quá khi ở Mỹ
  • Booking phòng khách sạn
  • Xác nhận đặt vé máy bay 2 chiều
  • Đơn xin nghỉ phép

Nhóm 5: Hồ sơ về mục đích công tác (trường hợp xin visa công tác)

  • Thư mời từ đối tác Mỹ và bằng chứng quan hệ giữa 2 công ty
  • Quyết định cử đi công tác

Nhóm 6: Hồ sơ về tài chính

  • Sổ tiết kiệm trên 200 triệu
  • Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu các tài sản có giá trị cao như nhà, đất, xe hơi,…
  • Sao kê tài khoản ngân hàng
  • Giấy tờ chứng minh sự ràng buộc với con người, cuộc sống ở Việt Nam.

Nhóm 7: Hồ sơ về công việc

  • Hợp đồng lao động, bảng lương nếu là công, nhân viên
  • Đăng ký kinh doanh, biên lai nộp thuế 3 tháng gần đây nếu là chủ công ty
  • Sổ hưu, phiếu lĩnh lương nếu là người đã về hưu
  • Bảng điểm, học bạ nếu là học sinh, sinh viên.

Những lưu ý trước khi đến văn phòng phỏng vấn

Thời gian, địa điểm

  • Nên có mặt sớm hơn giờ hẹn khoảng 15 phút để xếp hàng và đảm bảo ổn định trước buổi phỏng vấn
  • Ghi nhớ đúng địa điểm đã hẹn phỏng vấn visa Mỹ
    • Địa chỉ phỏng vấn tại Thành phố Hồ Chí Minh: Lãnh sự quán Hoa Kỳ – Số 4 Lê Duẩn, Quận 1, Tp. HCM 
    • Địa chỉ phỏng vấn visa Mỹ tại Hà Nội: Đại sứ quán Hoa Kỳ (Bộ phận visa không định cư) – Số 170 Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội
Địa điểm phỏng vấn visa Mỹ
Phỏng vấn visa Mỹ tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ (Tp. Hồ Chí Minh)
  • Thời gian phỏng vấn visa Mỹ thường kéo dài vài tiếng vì bao gồm cả các bước nộp hồ sơ, lấy vân tay và phỏng vấn. Vì vậy, bạn nên sắp xếp lịch trình cá nhân để có thể dành cả buổi sáng hoặc buổi chiều ở cơ quan Lãnh sự.
  • Thời gian chờ phỏng vấn visa Mỹ khá lâu nên bạn nhớ ăn uống đầy đủ trước khi phỏng vấn chính thức.

Người hỗ trợ

  • Những đương đơn chưa đủ 17 tuổi, cần có bố mẹ hoặc người giám hộ đi kèm cùng
  • Người trên 17 tuổi phải vào phỏng vấn một mình trừ trường hợp:
    • Người khuyết tật (thể chất, vinh thần) được phép cho cha, mẹ, hay người bảo hộ đi cùng
    • Người già trên 70 tuổi được phép cho con cái hay người chăm sóc đi cùng
  • Trường hợp không thể nói tiếng Anh, bạn có thể nhờ sự trợ giúp của phiên dịch viên ở Lãnh sự quán.

Đồ đạc, tư trang

  • Chỉ mang theo túi cầm tay vừa đủ với kích thước tối đa 35 cm (cao) x 20 cm (rộng) x 40 cm (dài); không mang vali, túi đeo vai, ba lô, túi du lịch lớn
  • Đựng các giấy tờ trong túi nhựa trong
  • Không mang theo máy tính xách tay, máy tính bảng, thiết bị điện tử
  • Không mang các vật dụng gây thương tích (dao, kéo, dũa móng tay,…), vật dễ gây cháy nổ (thuốc lá, xì gà, bật lửa,…)

Trang phục

  • Lựa chọn trang phục phù hợp giúp bạn thoải mái, tự tin nhưng vẫn đảm bảo lịch sự, gọn gàng
  • Không mặc đồ dễ gây phản cảm (hở hang, sặc sỡ, rườm rà, đồ thể thao, có họa tiết hoặc khẩu hiệu nhạy cảm,…) 
  • Nếu muốn trang điểm, chọn phong cách nhẹ nhàng và đơn giản
  • Hạn chế xịt nước hoa quá nhiều hoặc nước hoa có mùi nồng
  • Tóc gọn gàng, cắt móng tay và tránh sơn màu sặc sỡ
  • Không đeo trang sức dễ tạo ra tiếng động khi di chuyển và những loại phụ kiện cá tính như khuyên mũi, lưỡi, lông mày,…

Quy trình phỏng vấn visa Mỹ ở Đại sứ quán/Lãnh sự quán

Trước khi qua cửa bảo vệ

Một lưu ý khi phỏng vấn visa Mỹ là kiểm soát an ninh ở Đại sứ quán/Lãnh sự quán rất nghiêm ngặt. Bạn sẽ không được vào văn phòng Đại sứ quán/Lãnh sự quán nếu mang theo các thiết bị điện tử hoặc thiết bị dùng pin. Những đồ vật lớn đề cập ở trên sẽ không được gửi ở Bộ phận an ninh nên tốt nhất bạn để ở nhà hoặc cất trên xe ô tô (nếu có). Còn lại các thiết bị cầm tay như điện thoại, máy ghi âm, đồng hồ thông minh, máy ảnh,… có thể gửi ở phòng an ninh và lấy lại khi ra về.

Khi qua cửa bảo vệ

Nếu phỏng vấn ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, bạn phải đưa thẻ căn cước công dân cho bảo vệ giữ cho đến khi rời khỏi tòa nhà. Thẻ căn cước có thể thay bằng giấy tờ tùy thân khác miễn là có ảnh như bằng lái xe, thẻ sinh viên,… Tiếp đến, bảo vệ sẽ đưa cho bạn thẻ khách. Bạn phải đeo thẻ ở vị trí dễ nhìn và trong suốt thời gian ở Đại sứ quán. Bạn tiến đến phòng chờ phỏng vấn ở tầng 2 và đợi đến lượt để nộp hồ sơ.

Nếu phỏng vấn tại Lãnh sự quán Mỹ ở Tp. Hồ Chí Minh: Bạn chỉ cần trình hộ chiếu và giấy hẹn phỏng vấn cho bảo vệ kiểm tra. Sau đó, bạn đến phòng chờ nằm bên tay trái, sau cổng bảo vệ.

Trong phòng chờ phỏng vấn

Trong phòng chờ chia làm 2 khu vực: một khu vực để nộp hồ sơ và lấy vân tay; khu vực còn lại là nơi phỏng vấn. Lưu ý rằng cả 2 khu vực này đều gọi theo số thứ tự, không gọi theo tên nên bạn phải chú ý nghe loa hoặc nhìn bảng điện tử để không bị qua lượt.

Khi vào phòng, bạn thực hiện tuần tự theo các bước phỏng vấn visa Mỹ sau:

Bước 1: Đi đến khu vực quầy số 01 để lấy số nộp hồ sơ và lấy dấu vân tay.

Lưu ý:

  • Số thứ tự này chỉ dùng để nộp hồ sơ, không dùng để phỏng vấn.
  • Mỗi hồ sơ phải lấy 2 liên, 1 liên sẽ đưa cho cán bộ nhận hồ sơ, 1 liên giữ lại đến hết buổi phỏng vấn.

Bước 2: Ngồi chờ đến số thứ tự để lên nộp hồ sơ. Chuẩn bị sẵn giấy tờ gồm:

  • Hộ chiếu (tháo vỏ bọc)
  • Bản in form xin visa DS-160 có dán ảnh đầy đủ
  • Giấy xác nhận hẹn phỏng vấn có mã vạch trùng khớp đơn DS-160
  • Biên lai đã thanh toán lệ phí visa
  • Giấy tờ chuẩn bị theo hướng dẫn ở trên

Nếu không có đầy đủ giấy tờ, bạn sẽ phải ra chuẩn bị lại và lấy số từ đầu.

Bước 3: Chờ gọi đến số thứ tự để lấy dấu vân tay và nhận lại tất cả hồ sơ.

Lấy vân tay trước khi phỏng vấn visa Mỹ
Lấy dấu vân tay trước khi vào phỏng vấn

Trong lúc chờ đến lượt, bạn có thể xem hướng dẫn lấy dấu vân tay trên màn hình TV và lau 10 đầu ngón tay để lấy vân tay dễ dàng hơn.

Bước 4: Nhận lại hồ sơ xong, bạn đến khu vực số 02 để lấy số và tiếp tục chờ đến lượt để phỏng vấn visa Mỹ

Tại quầy phỏng vấn

Viên chức Lãnh sự Mỹ sẽ gọi đương đơn vào phỏng vấn dựa theo mức độ phức tạp của từng trường hợp chứ không nhất thiết gọi lần lượt theo số thứ tự. Do đó, trong khi ngồi chờ bạn nên chú ý để không bỏ lỡ khi được gọi lên.

Trong quầy phỏng vấn visa Mỹ
Viên chức gọi từng đương đơn lên phỏng vấn

Nội dung phỏng vấn visa đi Mỹ sẽ xoay quay các thông tin mà bạn đã khai trong hồ sơ và mục đích nhập cảnh. Nhiều người không khỏi lo lắng việc viên chức sẽ phỏng vấn xin visa Mỹ bằng tiếng gì vì họ chỉ đi du lịch hoặc thăm thân và khả năng ngoại ngữ không thành thạo. Bạn yên tâm bởi viên chức ở Đại sứ quán Mỹ có thể dùng cả tiếng Anh và tiếng Việt để phỏng vấn tùy trường hợp. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thường chỉ có các trường hợp xin visa du học hoặc định cư sẽ được hỏi bằng tiếng Anh. Nếu bạn tự tin về khả năng ngoại ngữ của mình thì nên trả lời phỏng vấn visa Mỹ bằng tiếng Anh khi được hỏi, nếu không có thể nhờ sự trợ giúp của thông dịch viên ngồi trong quầy.

Thủ tục phỏng vấn xin visa đi Mỹ khá nhanh nếu hồ sơ của bạn không có điểm gì đặc biệt. Bạn sẽ biết kết quả xin visa ngay sau khi phỏng vấn kết thúc. Nếu được cấp visa, viên chức lãnh sự sẽ trả lại hồ sơ, chỉ thu hộ chiếu và phát cho bạn một giấy biên nhận. Bạn cầm biên nhận đến quầy EMS để khai thông tin nhận hộ chiếu qua đường bưu điện. Nếu không được chấp nhận cấp visa đi Mỹ, ngay sau đó bạn sẽ được trả lại hộ chiếu cùng những giấy tờ cần thiết khác sau cuộc phỏng vấn.

Sau khi phỏng vấn

Kết thúc phỏng vấn, bạn ra cửa bảo vệ trả thẻ khách (đối với người phỏng vấn ở Hà Nội) và nhận lại các vật dụng ký gửi (nếu có) trước khi đi về.

Thời gian nhận được visa Mỹ sau khi phỏng vấn

Nếu phỏng vấn thành công, bạn chỉ cần để lại hộ chiếu và ra về. Sau 3-5 ngày làm việc, hộ chiếu có dán visa sẽ được gửi đến địa điểm của bạn theo hình thức chuyển phát đã đăng ký.

Lệ phí phỏng vấn visa Mỹ

Nhiều bạn thường thắc mắc không thấy bước nộp tiền phỏng vấn visa Mỹ ở đâu trong quá trình đến lấy dấu vân tay và phỏng vấn ở Lãnh sự. Đối với visa Mỹ, đương đơn không phải nộp phí phỏng vấn mà chỉ cần thanh toán phí xin visa là $160/đơn trước khi đặt lịch hẹn.

>>> Xem thêm: Thanh toán phí xin visa Mỹ ở đâu? Cần bao nhiêu tiền?

Bí quyết phỏng vấn xin visa đi Mỹ thành công

  • Chỉ trả lời khi bạn nghe rõ và hiểu câu hỏi. Nếu nhân viên Lãnh sự nói quá nhanh khiến bạn không bắt kịp, hãy hỏi lại hoặc nhờ thông dịch viên trợ giúp, tránh trả lời lạc đề, không đúng câu hỏi.
  • Bạn nên trả lời trung thực, đúng trọng tâm. Những câu trả lời lan man hoặc kể lể dài dòng không liên quan sẽ khiến bạn nhanh chóng mất điểm trong mắt viên chức Lãnh sự.
  • Luôn giữ tâm lý thoải mái, thân thiện và thái độ tôn trọng trong suốt buổi phỏng vấn là điều rất quan trọng. Ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, cử chỉ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đánh giá của người phỏng vấn. Hãy nhìn thẳng vào viên chức và sử dụng ngôn ngữ cơ thể dứt khoát, nhẹ nhàng để tạo sự tin cậy trong cuộc phỏng vấn.
  • Phỏng vấn viên sẽ ngồi trong cabin ngăn cách với đương đơn bởi tấm kính. Vì vậy, hãy cố gắng nói to, rõ ràng. Nếu bạn nói nhỏ, họ có thể không nghe thấy hoặc đoán sai lời nói của bạn.
  • Tạo ấn tượng tốt với viên chức bằng cách chủ động chào hỏi khi vào vị trí phỏng vấn và sau khi phỏng vấn xong.
  • Luyện phỏng vấn visa Mỹ trước khi đến cuộc hẹn cũng là kinh nghiệm mà Nowtadi thường khuyên những người xin visa lần đầu nên cân nhắc. Bạn có thể tự luyện tập tại nhà hoặc cùng người khác để chuẩn bị sẵn tâm lý và cách trả lời sao cho gãy gọn.

Lý do trượt phỏng vấn visa Mỹ

Lý do bị trượt phỏng vấn visa Mỹ
Lý do bị từ chối visa đi Mỹ

Có rất nhiều lý do khiến đương đơn xin visa Mỹ bị từ chối cấp visa tùy từng trường hợp cụ thể. Trong đó, phải kể đến một số nguyên nhân phổ biến dưới đây:

  • Chuẩn bị hồ sơ thiếu sót, chưa hợp lý
  • Hộ chiếu trắng chưa từng đi du lịch hoặc đi quá ít nước hoặc chỉ mới đi các nước lân cận ở Đông Nam Á
  • Mục đích chuyến đi không rõ ràng, minh bạch
  • Chứng minh kinh tế không thuyết phục
  • Có ít sự ràng buộc tại Việt Nam
  • Cung cấp thông tin giả, không trung thực
  • Thiếu tự tin, trả lời ấp úng, lắp bắp trong quá trình phỏng vấn
  • Trả lời phỏng vấn khác với thông tin trong hồ sơ hoặc các câu trả lời không logic với nhau

>>> Đọc thêm: Các trường hợp bị từ chối visa Mỹ: Nguyên nhân và cách khắc phục

Các câu hỏi phỏng vấn visa Mỹ phổ biến

Viên chức Lãnh sự sẽ đưa ra nhiều câu hỏi để hiểu về tình trạng của đương đơn và kiểm tính trung thực của hồ sơ, từ đó sẽ quyết định xem có cấp visa hay không. Có một số câu hỏi chung mà viên chức đặt cho tất cả người tham gia phỏng vấn, ngoài ra cũng sẽ có những câu hỏi khác nhau cho từng người dựa theo hồ sơ đã khai và câu trả lời trước đó. Dưới đây là những câu hỏi khi phỏng vấn visa Mỹ thường gặp và cách trả lời mà bạn có thể tham khảo.

Câu hỏi phỏng vấn visa Mỹ
Câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn visa đi Mỹ
  • Bạn sang Mỹ để làm gì?

Bạn nên trả lời trực tiếp mục đích đến Mỹ của mình, không nên nói cộc lốc cũng không cần kể lể quá dài và quan trọng là phải khớp với thông tin trong hồ sơ.

Ví dụ: “Tôi đi du lịch ở NewYork và dự định tham quan các địa điểm sau” (nếu các địa điểm trong lịch trình) hoặc “Tôi sang dự lễ tốt nghiệp của con gái. Con tôi học ở trường đại học New York, nó dự kiến tốt nghiệp ngày…”

  • Ai tài trợ cho chuyến đi này của bạn?

Bạn chỉ cần trả lời trung thực theo thực tế. Nếu tự chi trả thì trả lời “Tôi tự trả chi phí cho chuyến đi này” và đưa ra các bằng chứng về tài chính của mình. Nếu được đài thọ, có thể nói rằng “Công ty cử tôi sang đây công tác và công ty chi trả toàn bộ chi phí của chuyến đi này cho tôi” và đưa ra giấy cử đi công tác.

  • Bạn đang làm nghề gì?

Đây là câu hỏi để xem xét sự ràng buộc ở Việt Nam có đủ bền vững để bạn quay trở lại nước nhà sau khi kết thúc chuyến đi hay không. Hãy trả lời thành thật dựa trên những gì hồ sơ có. Nếu bạn đang gắn bó với công việc hiện tại lâu năm rồi thì đừng quên nêu rõ điểm mạnh này.

Ví dụ: “Tôi đang làm nhân viên hành chính ở công ty X từ năm 2000”.

  • Bạn sẽ ở đâu trong thời gian ở Mỹ?

Nếu là đi du lịch hay công tác, hãy nêu tên và địa chỉ của khách sạn, hostel mà bạn sẽ ở. Còn nếu bạn đi đến thăm người thân thì nêu địa chỉ của người đó.

  • Bạn có người thân nào khác ở Mỹ hay không?

Ngoài người thân mà bạn đến gặp trong chuyến đi sắp tới, viên chức cũng có thể hỏi thêm câu này để xem bạn có mối liên hệ nào khác ở Mỹ. Chỉ nên trả lời có nếu người đó có quan hệ gần gũi và bạn nắm rõ được thông tin của họ vì sau đó, phỏng vấn viên thường đào sâu các chi tiết về thân nhân của bạn. Nếu bạn có người quen không thật sự thân thiết hay họ hàng xa thì cũng không nên kể ra.

  • Bạn có muốn ở lại Mỹ nếu có cơ hội không?

Hãy luôn nhớ rằng bạn phải trở về sau khi kết thúc lịch trình (trừ trường hợp xin visa định cư). Tuy nhiên, khi trả lời hãy nêu ra lý do vì sao bạn nhất định sẽ không ở lại Mỹ dù có cơ hội.

Ví dụ: “Tôi chắc chắn sẽ quay về nước vì tôi vẫn còn gia đình ở đây. Bố mẹ tôi đã nhiều tuổi mà tôi lại là con một, nên tôi cần phải chăm sóc họ”.

>>> Đọc thêm: Tổng hợp kinh nghiệm và những câu hỏi phỏng vấn visa du học Mỹ

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp bạn trang bị cho mình đầy đủ thông tin về thủ tục, quy định cùng những lưu ý khi phỏng vấn visa Mỹ để đạt kết quả tốt nhất. Chúc bạn có một cuộc phỏng vấn thành công! Và nếu có bất cứ thắc mắc nào về dịch vụ làm visa Mỹ, đừng ngần ngại liên hệ với đội ngũ tư vấn của Nowtadi nhé.

Đánh giá bài viết

Bài viết liên quan

Đóng góp ý kiến