Điền mẫu đơn xin visa Mỹ DS-160 là một trong những bước quan trọng phải làm trước khi nộp hồ sơ xin visa du lịch, thăm thân hay công tác ở Mỹ. Loại biểu mẫu xin visa này sẽ quyết định phần lớn vào kết quả đậu hay trượt visa của bạn. Do đó, bạn cần hết sức chú ý và cẩn trọng khi điền các thông tin vào tờ khai.
Trong bài viết này, Nowtadi sẽ hướng dẫn từ A – Z cách điền đơn xin visa Mỹ DS-160 để bạn có thể điền tờ khai xin visa một cách dễ dàng và chính xác nhất!
Mục lục
- Mẫu đơn DS-160 là gì?
- Tại sao cần điền tờ khai xin visa Mỹ?
- Mẫu đơn xin visa Mỹ DS-160
- Những lưu ý khi điền mẫu đơn DS-160 online
- Hướng dẫn từ A-Z cách điền mẫu đơn xin visa Mỹ DS-160
- Bước 1: Truy cập link điền đơn xin visa Mỹ DS-160
- Bước 2: Thiết lập câu hỏi bảo mật
- Bước 3: Điền thông tin mục Personal (Thông tin cá nhân)
- Bước 4: Điền thông tin mục Travel (Thông tin về chuyến đi Mỹ sắp tới)
- Bước 5: Điền thông tin mục Travel Companions (Thông tin người đi cùng)
- Bước 6: Điền thông tin mục Previous U.S. Travel (Thông tin lần đến Mỹ trước đây)
- Bước 7: Điền thông tin mục Address and Phone (Địa chỉ và số điện thoại)
- Bước 8: Điền thông tin mục Passport (Thông tin hộ chiếu)
- Bước 9: Điền thông tin mục Family (Thông tin về gia đình)
- Bước 10: ĐIền thông tin mục Work-Education-Training (Thông tin về tình trạng công việc, học tập)
- Bước 11: Điền thông tin mục Security and Background (Thông tin về an ninh và lý lịch tư pháp)
- Bước 12: Upload ảnh thẻ xin visa
- Bước 13: Review lại thông tin
- Bước 14: Ký và nộp đơn xin visa Mỹ DS-160
- Các câu hỏi thường gặp với đơn xin visa Mỹ DS-160
Mẫu đơn DS-160 là gì?
Đơn DS-160 là mẫu đơn xin visa Mỹ dành cho ai muốn nhập cảnh Mỹ với mục đích như du học, du lịch, thăm thân, công tác,… Nhiều người thường nhầm lẫn giữa mẫu đơn DS-160 và DS-260 vì cả 2 mẫu đơn này đều là các mẫu đơn xin visa Mỹ. Tuy nhiên, 2 mẫu này có sự khác nhau về mục đích sử dụng.
Phân biệt 2 loại đơn xin visa Mỹ DS-160 và DS-260:
- Đơn DS-160: Dùng cho trường hợp nhập cảnh Mỹ nhưng không có mục đích định cư, tạm trú.
- Đơn DS-260: Dành cho trường hợp nhập cảnh Mỹ với mục đích định cư, thường trú.
Tại sao cần điền tờ khai xin visa Mỹ?
Tờ khai xin visa DS-160 là giấy tờ quan trọng nhất và bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ visa Mỹ của bạn. Tờ khai này sẽ quyết định phần lớn tỷ lệ đậu, trượt visa vì:
- Tất cả thông tin bạn khai trong mẫu đơn DS-160 sẽ là cơ sở để Lãnh sự quán (LSQ) Mỹ tại Việt Nam đối chiếu những giấy tờ chứng minh nộp kèm theo trong bộ hồ sơ xin visa Mỹ của bạn, từ đó đánh giá mức độ tin cậy để xét duyệt hồ sơ.
- Tờ khai này là loại giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ xin visa Mỹ của bạn. Dù hồ sơ của bạn có đẹp đến đâu, nếu thiếu đơn xin visa Mỹ này thì bạn sẽ bị từ chối visa ngay. Ngoài ra, bạn sẽ không thể đăng ký phỏng vấn nếu không làm thủ tục điền mẫu đơn DS-160 online.
>>> Đọc thêm: Visa Mỹ B1/B2: Tổng quan từ khái niệm đến hồ sơ và thủ tục
Mẫu đơn xin visa Mỹ DS-160
Mẫu đơn DS-160 là dạng tờ khai online, bạn chỉ có thể thực hiện thao tác khai báo thông tin trên website của chính phủ Mỹ, không thể download mẫu DS-160 về máy để điền. Vì vậy, bạn có thể tham khảo hình ảnh về mẫu đơn xin visa Mỹ DS-160 dưới đây.
Những lưu ý khi điền mẫu đơn DS-160 online
Trước khi điền thông tin vào đơn xin visa đi Mỹ, bạn cần lưu ý những điều quan trọng dưới đây.
Trước khi điền tờ khai
– Chuẩn bị một địa chỉ email cá nhân thường dùng để nhận mail xác nhận nộp tờ khai, xác nhận hóa đơn thanh toán lệ phí,…
– Chuẩn bị một file mềm ảnh thẻ để upload lên tờ khai tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện sau:
- Ảnh màu, không bị ám các màu sắc khác như vàng, xanh,… được chụp trong vòng 6 tháng trở lại.
- Ảnh vuông, kích thước của ảnh tối thiểu là 600 pixel x 600 pixel (dài x rộng), tối đa là 1200 pixel x 1200 pixel.
- Bắt buộc phông nền trắng.
- Chụp chính diện, rõ mặt, nhìn rõ hai tai và trán,
- Không được đeo kính, đội mũ, đeo tai nghe,…
- Không mặc quần áo đồng phục của cơ quan, tổ chức (trừ trang phục tôn giáo mặc hằng ngày)
- Trang phục trong ảnh có thể là trang phục mặc ngày thường, không nhất thiết là mặc vest hay sơ mi, không cần quá trang trọng nhưng cũng không được thiếu lịch sự.
- Chiều cao của đầu, tính từ đỉnh đầu, bao gồm cả tóc, tới dưới cằm, phải chiếm từ 50% đến 70% tổng chiều cao của tấm ảnh. Chiều cao tính từ cạnh dưới của tấm ảnh đến ngang tầm mắt, phải chiếm từ 55% và 70% (Khoảng 2/3 chiều cao tấm ảnh).
Ví dụ về ảnh thẻ đạt chuẩn:
Trong quá trình điền tờ khai
- Mẫu đơn DS-160 là mẫu đơn online không thống nhất về số lượng cũng như loại câu hỏi, các câu hỏi sau thay đổi phụ thuộc vào câu trả lời trước đó của bạn.
- Các thông tin trong tờ khai phải được viết bằng tiếng Anh, trừ yêu cầu cung cấp đầy đủ họ tên bằng tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt).
- Bạn không được bỏ trống bất kỳ mục nào. Với những mục mà bạn thấy không cần trả lời trong trường hợp của mình thì chọn “DOES NOT APPLY”.
- Bạn có thể kiểm tra lại các thông tin mình vừa điền bằng cách bấm chọn “Preview” và có thể sửa lại.
- Nếu có ý định sửa lại thông tin ở trang trước, tuyệt đối không được dùng nút Back/Forward ở góc trái của trình duyệt. Nếu làm vậy thì bạn sẽ trở lại trang bắt đầu và mọi thông tin vừa điền sẽ mất hết, không thể khôi phục. Để trở lại trang trước, bấm “Back” ở cuối tờ khai.
- Nút “Save” nằm ở dưới cuối cùng của tờ khai cho phép bạn lưu lại bản khai. Khi muốn tiếp tục điền tờ khai, bạn bấm “Retrieve an application” ở trang bắt đầu và điền các thông tin gồm: Họ (Surname), năm sinh và trả lời câu hỏi bảo mật của bạn.
- Mỗi lần bạn bấm “Next”, các thông tin sẽ tự động được lưu. Tuy nhiên, bạn nên thường xuyên lưu lại các dữ liệu trong khi khai vì trong 20 phút mà bạn không thực hiện bất kỳ thao tác nào trên tờ khai thì sẽ bị ngắt kết nối “time out” và sẽ mất hết dữ liệu đã khai.
- Trong trường hợp đang điền tờ khai xin visa Mỹ DS-160 nhưng buộc phải tạm dừng, hãy lưu lại mã số Application ID hiển thị ở góc trên bên phải. Mã Application ID giúp bạn tiếp tục điền tờ khai và có hiệu lực tối đa trong 30 ngày.
- Tờ khai này cũng là “con dao 2 lưỡi” vì nó chứa gần như đầy đủ các thông tin của bạn. Nhân viên của LSQ sẽ tìm ra những “lỗ hổng”, những điểm thiếu logic trong hồ sơ để xoáy vào các vấn đề đó khi phỏng vấn bạn. Nếu không thể đưa ra lời giải thích hợp lý cho những điểm nghi vấn đó thì tỷ lệ bạn trượt visa là rất cao. Vậy nên, hãy chắc chắn các thông tin bạn điền trong hồ sơ có sự nhất quán và liên kết chặt chẽ với nhau nhé
Sau khi điền tờ khai
- Sau khi đã hoàn tất tờ khai và bấm “Submit” đơn xin visa Mỹ DS-160 thì bạn sẽ nhận được mã vạch của hồ sơ tại trang xác nhận. Nếu muốn sửa thông tin trong tờ khai thì bạn vẫn có thể thực hiện. Tuy nhiên, lưu ý rằng mỗi lần thay đổi thông tin sẽ làm thay đổi mã vạch. Hãy hoàn tất việc chỉnh sửa các thông tin trước khi thực hiện bước đăng ký hẹn phỏng vấn.
- Nếu bạn muốn sửa bất cứ thông tin nào trên tờ khai sau khi đã đăng ký lịch hẹn, bạn buộc phải hủy cuộc hẹn phỏng vấn đã lên lịch và lấy hẹn lịch phỏng vấn khác với hồ sơ cùng mã vạch mới. Điều này sẽ mất nhiều thời gian của bạn nên nếu lỗi trong bản khai chỉ là một số lỗi nhỏ, không gây ảnh hưởng đến các thông tin khác trong hồ sơ. Bạn nên tiếp tục đi phỏng vấn và thông báo về lỗi nhỏ này với phỏng vấn viên thay vì hủy cuộc hẹn.
- Bạn cần in giấy xác nhận để trình cho nhân viên LSQ xem khi đến phỏng vấn.
Lưu ý: Hãy giữ giấy xác nhận cẩn thận, không để nhàu nát, dính bẩn và không được viết thêm bất kỳ thông tin nào lên giấy xác nhận này.
>>> Đọc thêm: Visa F1 Mỹ là gì? Hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ và đóng lệ phí visa
Hướng dẫn từ A-Z cách điền mẫu đơn xin visa Mỹ DS-160
Hướng dẫn cách điền tờ khai xin visa Mỹ này dành cho người muốn xin cấp visa Mỹ mới hoặc xin gia hạn visa. Cùng tham khảo cách điền tờ khai DS-160 dưới đây.
Bước 1: Truy cập link điền đơn xin visa Mỹ DS-160
Đầu tiên bạn truy cập vào link https://ceac.state.gov/GenNIV/ để điền biểu mẫu.
Chọn nơi nộp hồ sơ: Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh, và nhập mã xác nhận. Bạn có thể tải ảnh thẻ của mình lên để kiểm tra xem ảnh đó đã đạt tiêu chuẩn như lưu ý bên trên hay chưa.
Bấm “Start an application”để bắt đầu quá trình điền tờ khai.
Bước 2: Thiết lập câu hỏi bảo mật
Đầu tiên, bạn phải tick vào “I AGREE” ( Tôi đồng ý với các điều khoản trên) rồi mới có thể tiếp tục.
Tiếp đến, chọn câu hỏi bảo mật và điền câu trả lời. Ví dụ một vài câu hỏi trong phần câu hỏi bảo mật:
- What street did you live on when you were 8 years old?: Tên đường bạn sinh sống lúc 8 tuổi là gì?
- What school did you attend when you were 11 years old?: Tên trường học của bạn lúc 11 tuổi là gì?
- In what city or town was your first job?: Công việc đầu tiên của bạn ở thành phố/thị trấn nào?
- What was the name of your first boyfriend or girlfriend?: Tên bạn trai/bạn gái đầu tiên của bạn?
Hãy lưu lại Application ID ở bên tay phải, câu hỏi bảo mật và câu trả lời. Chúng như là một tài khoản và mật khẩu, giúp bạn có thể tiếp tục quay lại và điền tờ khai trong nhiều ngày tiếp theo.
Bước 3: Điền thông tin mục Personal (Thông tin cá nhân)
Tại đây, bạn cần khai cẩn thận các thông tin gồm:
- Surname (Họ), Given Name (Tên): Đối với 2 mục này, bạn điền thông tin theo đúng tên in trên hộ chiếu, viết không dấu.
- Full Name in Native Language: Phần này bạn cần điền đầy đủ họ, tên đệm, tên bằng tiếng Việt, có dấu.
- Sex (Giới tính): Bạn lựa chọn Nam (Male) hoặc Nữ (Female)
- Marital status (Tình trạng hôn nhân): Bạn chọn loại tình trạng hôn nhân của mình trong danh sách sổ xuống như:
- Married (đã kết hôn),
- Single (độc thân),
- Divorced (Ly hôn),
- Widowed (Góa).
- Date and place of birth: Thông tin về ngày sinh và nơi sinh.
Các tháng được hiển thị ở dạng chữ nên bạn cần nắm rõ về tên gọi của các tháng trong tiếng Anh:
- January – JAN – Tháng 01
- February – FEB – Tháng 02
- March – MAR – Tháng 03
- April – APR – Tháng 04
- May – MAY – Tháng 05
- June – JUN – Tháng 06
- July – JUL – Tháng 07
- August – AUG – Tháng 08
- September – SEP – Tháng 09
- October – OCT – Tháng 10
- November – NOV – Tháng 11
- December – DEC – Tháng 12
Sau khi điền xong, bạn chuyển sang trang thông tin cá nhân số 2.
Trong trang thông tin số 2 này, bạn cần điền các thông tin sau:
- Nationality: Quốc tịch
- National Identification Number (Mã số định danh cá nhân): Bạn điền số CMND hoặc số CCCD.
- U.S. Social Security Number (Số Thẻ an sinh xã hội Mỹ) và U.S. Taxpayer ID Number (Mã số Người nộp thuế tại Mỹ): Cả 2 mục này bạn tích ô “Does not Apply” là được.
Nếu bạn có quốc tịch khác, chọn “Yes” ở câu hỏi đầu tiên để cung cấp thêm thông tin về quốc tịch đó.
Bước 4: Điền thông tin mục Travel (Thông tin về chuyến đi Mỹ sắp tới)
Bạn cần khai các thông tin về chuyến đi Mỹ sắp tới gồm:
- Purpose of trip to the U.S: Mục đích sang Mỹ
- Specify: Loại hình nhập cảnh/visa (trong hình là công tác và du lịch, loại visa ngắn hạn B1/B2)
- Have you made specific travel plans (Bạn đã có kế hoạch đến Mỹ cụ thể chưa?): Nếu bạn biết chi tiết thông tin lịch trình, địa điểm trong chuyến đi thì trả lời “Yes”, nếu bạn chưa biết chính xác được lịch trình thì trả lời “No”.
Nếu đã có thông tin cụ thể về chuyến đi, bạn cần trả lời các câu hỏi sau:
- Ngày đến (Date of Arrival)
- Ngày rời đi (Date of Departure)
- Thành phố lúc đến (Arrival CIty)
- Thành phố lúc rời đi (Departure City)
- Các địa điểm dự kiến đến tại Mỹ (Provide the locations you plan to visit in the US).
Nếu bạn trả lời “No – Không có kế hoạch” thì bạn chỉ cần điền thông tin ước tính như:
- Ngày dự kiến đến Mỹ (Intended Date of Arrival)
- Khoảng thời gian dự kiến ở lại tại Mỹ (Intended Length of Stay in US)
Các loại visa dành cho mục đích du lịch, công tác, thăm thân,… có thời hạn tối đa là 1 năm. Do đó, bạn không nên điền thời gian dự kiến ở lại Mỹ nhiều hơn khoảng thời gian này.
Bước 5: Điền thông tin mục Travel Companions (Thông tin người đi cùng)
* Are there other persons traveling with you?
- Chọn “Yes” nếu bạn có người đi cùng
- Chọn “No” nếu bạn đi 1 mình.
* Are you travelling as part of a group or organization? (Bạn có đi cùng nhóm người hay tổ chức không?)
- Chọn “Yes – Có” và điền tên nhóm, tên tổ chức,…
- Chọn “No – Không” và điền thông tin của cá nhân đi cùng bạn gồm Họ, tên, quan hệ của người đó với bạn
Bước 6: Điền thông tin mục Previous U.S. Travel (Thông tin lần đến Mỹ trước đây)
Trong phần này, bạn cần trả lời các câu hỏi sau:
- Have you ever been in the U.S? (Bạn đã từng đến Mỹ bao giờ chưa): Nếu bạn đã từng đến Mỹ, hãy chọn “Yes” và tiến hành điền theo hướng dẫn. Nếu đây là lần đầu tiên bạn đi Mỹ, hãy chọn “No”.
- Have you ever been issued a U.S. Visa? (Bạn đã từng được cấp visa Mỹ bao giờ chưa). Nếu đã từng được cấp visa Mỹ trước đây, bạn chọn “Yes”, nếu chưa, bạn chọn “No”.
- Have you ever been refused a U.S. Visa, been refused admission to the United States, or withdrawn your application for admission at the point of entry? (Bạn đã từng bị rớt visa Mỹ, bị từ chối nhập cảnh vào Mỹ, hoặc bị rút đơn xin nhập cảnh tại thời điểm nhập cảnh chưa?): Chọn “Yes” nếu bạn đã từng bị 1 trong các trường hợp trên, chọn “No” nếu chưa từng bị. Nếu bạn bị từ chối dù chỉ vì là bạn quên hoặc thiếu một hồ sơ thì bạn vẫn trả lời “Yes” và cung cấp các thông tin chi tiết theo yêu cầu.
Bạn nên khai báo trung thực ở phần này bởi LSQ có thể dễ dàng kiểm tra thông tin này với hồ sơ lưu trên máy tính. Nếu bạn nói dối hoặc cung cấp tài liệu giả mạo thì khả năng rất cao bạn sẽ trượt Visa Mỹ.
Bước 7: Điền thông tin mục Address and Phone (Địa chỉ và số điện thoại)
- Home Address (Địa chỉ nhà): Trong phần này, bạn cần điền các thông tin về địa chỉ mà bạn đang sinh sống trong thời gian đang chuẩn bị hồ sơ xin visa Mỹ. Địa chỉ này không nhất thiết phải giống địa chỉ thường trú hoặc địa chỉ ghi trên hộ chiếu của bạn.
- Mailing address (Địa chỉ nhận thư): Địa chỉ mà bạn sẽ nhận kết quả trượt hay đậu visa Mỹ.
- Is your mailing address the same as your home address (Địa chỉ nhận thư có trùng với địa chỉ nhà của bạn không?): Nếu trùng thì bạn chọn “Yes”, nếu không thì bạn chọn “No” và điền thông tin địa chỉ khác để nhận kết quả.
- Primary Phone Number (Số điện thoại di động): Số điện thoại di động cần điền mã vùng điện thoại ở đầu. Với số điện thoại tại Việt Nam, bạn thay số “0” ở đầu bằng “84”. Ví dụ: 098xxxxxxx -> 8498xxxxxxx
- Secondary Phone Number (Số điện thoại thứ 2): Điền tương tự như mục Primary Phone Number, nếu không có, bạn tick chọn “Does Not Apply”.
- Work Phone Number (Số điện thoại làm việc): nếu không có, bạn tick chọn “Does Not Apply”
Bước 8: Điền thông tin mục Passport (Thông tin hộ chiếu)
Bạn lấy hộ chiếu ra và điền các thông tin được yêu cầu, bao gồm:
- Passport type (Loại hộ chiếu): Thông thường là loại Regular (Phổ thông). Tuy nhiên, hãy kiểm tra lại trang hộ chiếu để điền chính xác.
- Passport Number (Số hộ chiếu): Bạn ghi rõ cả ký tự và số trong dãy số của hộ chiếu sẽ dùng khi bạn đi sang Mỹ
- Passport Book Number (Số sổ lưu hộ chiếu): Chọn “Does Not Apply”
- Country/Authority that Issued Passport (Quốc gia cấp hộ chiếu): Chọn “VIETNAM”.
- Where was your passport issued (Nơi cấp hộ chiếu): Bạn chọn tỉnh/thành cấp hộ chiếu của bạn.
- Issuance date (Ngày cấp): Chọn ngày cấp theo định dạng ngày/tháng/năm.
- Expiration date (Ngày hết hạn): Điền ngày hết hạn hộ chiếu.
Lưu ý: Mục “tháng” được hiển thị bằng tiếng Anh, hãy xem lại bước 3 nếu quên các tháng trong tiếng Anh ghi như nào nhé.
Bước 9: Điền thông tin mục Family (Thông tin về gia đình)
Bạn điền các thông tin được yêu cầu về gia đình bao gồm:
- Thông tin bố và mẹ của bạn gồm: Họ tên, ngày sinh của bố và mẹ, câu hỏi liệu bố/mẹ bạn có đang ở Mỹ không.
- Bạn có người họ hàng, người thân nào hiện đang sống ở Mỹ không?
- U.S. Contact (thông tin một người ở Mỹ có thể xác nhận chuyến đi của bạn)
- Do you have any immediate relatives, not including parents, in the United States: Bạn có người thân nào (không phải bố/mẹ) ở Mỹ nữa không? Nếu có, chọn “Yes” và điền các thông tin của người đó, nếu không, chọn “No”.
Bước 10: ĐIền thông tin mục Work-Education-Training (Thông tin về tình trạng công việc, học tập)
Trong phần này, bạn cần điền các thông tin về công việc, học vấn của bạn như sau:
- Primary occupation: Công việc chính.
- Present Employer or school name: Tên công ty bạn đang làm việc hoặc tên trường bạn đang học.
- Present Employer or school address: Địa chỉ công ty bạn đang làm việc hoặc địa chỉ trường bạn đang học.
- Monthly income in local currency (if employed): Thu nhập mỗi tháng của bạn bằng đồng nội tệ (nếu đang đi làm). Nếu chưa có thu nhập, chọn “Does Not Apply”.
- Brief describe your duties: Mô tả ngắn gọn công việc của bạn.
Ở câu hỏi “Have you traveled to any countries/regions within the last five year? (Bạn có từng đến quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác trong 5 năm qua không?)”, bạn cần khai trung thực và đầy đủ thông tin về các quốc gia mà bạn từng đến trong 5 năm. Đây là những thông tin quan trọng vì lịch sử chuyến đi càng nhiều và đặc biệt là từng di chuyển đến các nước phát triển thì hồ sơ của bạn càng đẹp.
Bước 11: Điền thông tin mục Security and Background (Thông tin về an ninh và lý lịch tư pháp)
Mục này gồm 5 trang câu hỏi về các thông tin lý lịch tư pháp của bạn. Các câu hỏi đều ở dạng chọn “Yes” và “No” nên khá dễ thực hiện. Thông thường, bạn chọn tất cả đều là “No”, tuy nhiên trước khi chọn cũng cần xem qua về nội dung câu hỏi và bấm “Save” ở cuối trang để lưu lại các thông tin nhé.
Bước 12: Upload ảnh thẻ xin visa
Nếu ở bước 1 bạn chưa tải hình ảnh lên thì bạn sẽ được yêu cầu tải ảnh lên sau khi điền thông tin. Hình ảnh bạn upload cần đúng theo quy định ở phần lưu ý bên trên nhé.
Bước 13: Review lại thông tin
Trước khi bấm nộp tờ khai DS-160, hãy kiểm tra lại ít nhất 1 lần toàn bộ các thông tin vừa điền nhé. Sau khi bấm nộp tờ khai thì bạn sẽ không thể sửa lại bất kỳ thông tin nào đâu.
Bước 14: Ký và nộp đơn xin visa Mỹ DS-160
Tại bước này, bạn điền lại số hộ chiếu (Passport Number) và mã xác nhận. Sau đó, bấm “SIGN AND SUBMIT APPLICATION” để nộp tờ đơn. Lưu ý rằng,sau khi bấm “Confirmation”, bạn sẽ không thể sửa lại thông tin, nếu chưa chắc chắn về các thông tin đã điền, hãy bấm “Back” để quay lại bước review nhé.
Sau khi bấm xác nhận, bạn sẽ nhận được một thư xác nhận gửi về email, trong đó file pdf chứa các thông tin cơ bản của bạn và mã số hồ sơ. Bạn in file này ra để nộp lại trong ngày phỏng vấn.
Hiển thị như này là bạn đã nộp đơn xin visa Mỹ DS-160 thành công.
>>> Đọc thêm: Phỏng vấn visa Mỹ – Hướng dẫn quy trình phỏng vấn từ A đến Z
Các câu hỏi thường gặp với đơn xin visa Mỹ DS-160
Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến thủ tục nộp đơn xin visa Mỹ, hãy liên hệ ngay với Nowtadi để vấn đề của bạn được giải quyết một cách nhanh nhất !
Lấy đơn xin visa Mỹ DS-160 ở đâu?
Form xin visa DS-160 là mẫu đơn online xin visa Mỹ, do đó, bạn không thể xin hay lấy từ đâu cả. Bạn cần truy cập vào https://ceac.state.gov/GenNIV/ và làm theo các hướng dẫn bên trên của Nowtadi để điền đơn xin visa Mỹ DS-160 nhé.
Các thông tin trong đơn xin visa Mỹ có được trả lời bằng tiếng Việt không?
Tất cả các câu trả lời điền trong đơn xin visa đi Mỹ DS-160 đều phải sử dụng tiếng Anh, trừ yêu cầu cung cấp tên đầy đủ của bạn bằng tiếng mẹ đẻ (Full Name in Native Language). Đơn được gửi bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác ngoài tiếng Anh đều bị từ chối và yêu cầu điền lại.
Tất cả các câu hỏi trong tờ khai DS-160 có bắt buộc trả lời hết không?
Hầu hết các câu hỏi là bắt buộc và không được bỏ trống ô trả lời nào. Các thông tin không phù hợp hoặc không áp dụng cho bạn thì tick chọn “Does Not Apply”. Bạn sẽ không thể chuyển qua trang điền thông tin tiếp theo nếu có bất kỳ câu hỏi nào chưa được trả lời. Hệ thống sẽ báo lỗi cho đến khi bạn điền toàn bộ các thông tin được yêu cầu.
Trong khi điền đơn DS-160, nếu tôi bị mất kết nối Internet, lỗi “timeout”, thì đơn của tôi có bị mất không?
Tất cả các thông tin được lưu tự động mỗi khi mỗi trang thông tin được hoàn thành và bấm Next sang trang thông tin khác. Vì vậy, đơn của bạn sẽ không bị mất nếu gặp bất kỳ sự cố nào. Để tiếp tục điền tờ khai xin visa DS-160, bạn chỉ cần nhập lại Application ID và trả lời câu hỏi bảo mật.
Kết luận
Trên đây là toàn bộ những lưu ý và hướng dẫn cách điền đơn xin visa Mỹ DS-160. Hi vọng qua bài viết này, bạn đã biết mẫu đơn DS-160 là gì và nắm được cách điền mẫu đơn DS-160 để hoàn tất thủ tục xin visa của mình. Hãy liên hệ với Nowtadi để được tư vấn chi tiết và trải nghiệm dịch vụ làm visa Mỹ một cách nhanh chóng nhất. Nowtadi chúc bạn xin visa thành công!